Xuất thân Lương_phi_(Khang_Hy)

Lương phi Vệ thị nguyên là Giác Nhĩ Sát thị (覺爾察氏), cũng gọi Giác Thiền thị (覺禪氏), sinh khoảng năm Thuận Trị thứ 18 (1661), tên Song Tỷ (双姐)[1], xuất thân từ Chính Hoàng kỳ Bao y, thuộc "Đệ tam Tham lĩnh" (第三參領), tương ứng "Đệ thất Quản lĩnh" (第七管領)[2][3], thuộc Tân Giả khố (辛者库) của Nội vụ phủ. Bà là con gái của Chính ngũ phẩm Nội Quản lĩnh A Bố Nãi (阿布鼐). Gia tộc của Lương phi vốn cư trú ở Phật A Lạp (佛阿拉; nay là Tân Tân, Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh), tổ tiên là Hồ Trụ (瑚柱), sau đó vào năm Thiên Thông thời Hoàng Thái Cực thì được chỉ định phân vào Bao y, nhiều thế hệ nhậm Thiện phòng Tổng quản (膳房總管) cùng Nội Quản lĩnh (內管領), có thế lực ở Nội vụ phủ. Tằng tổ phụ Đô Lăng Ngạch (都楞额), nhậm "Nội Quản lĩnh", sinh ra Đô Nhĩ Bách (都尔柏) cùng cha bà là A Bố Nãi, khi đó Đô Nhĩ Bách thế chức Nội Quản lĩnh, còn A Bố Nãi chỉ là Thiện phòng Tổng quản, sau thế chức Nội Quản lĩnh. Anh trai của Lương phi là Cát Đạt Hồn (噶達渾), từng nhậm Nội vụ phủ Tổng quản, về sau làm Tá lĩnh ở Thịnh Kinh, đem gia tộc nhập Mãn Châu Chính Lam kỳ, thoát khỏi Bao y[4][5].

Bởi vì đủ loại nguyên nhân, đặc biệt là câu chỉ trích 「"Dận Tự là do tiện phụ Tân Giả khố sinh ra"」 bởi chính Khang Hi Đế[6], mà rất nhiều người cho rằng gia tộc của Lương phi cực kém, xuất thân Tân Giả khố bần tiện, thậm chí còn cho rằng nguyên bản gia tộc phú quý, sau bị tội mà sung vào Tân Giả khố. Cái gọi là "Tân Giả khố", Mãn ngữ kêu Hồ Thác Hòa (浑托和), ý là "Nửa Tá lĩnh", ám chỉ đến Bao y Nội Quản lĩnh, là xuất thân rất bình thường của người giai cấp Bao y[7]. Giải thích một chút, Tân Giả khố cũng như Bao y Tá lĩnh, trọng trách chăm sóc việc hậu cần của Hoàng thất. Trong hệ thống quan chế, Nội Quản lĩnh thuộc hàng Chính ngũ phẩm, quản lý Tân Giả khố. Nội Quản lĩnh tương ứng Thượng Tam kỳ Tân Giả khố (上三旗辛者库), phục vụ Hoàng thất, mà phủ đệ của Vương công cũng có cái chức Quản lĩnh này, gọi là Hạ Ngũ kỳ Tân Giả khố (下五旗辛者库), chuyên phục vụ cho gia đình của Vương công. Hệ thống Tân Giả khố, cũng như Bao y, đôi khi có những người bị hoạch tội mà sung vào, tuy nhiên thì đại đa số vẫn là Bao y bình thường. Theo học giả Đỗ Gia Ký (杜家骥), Tân Giả khố tuyệt nhiên là người Bao y bình thường chiếm đa số, rất ít trong đó là tội nhân, hơn nữa người từ Tân Giả khố vào triều làm quan không hiếm, có thể đến cả Đại học sĩ như Bách Linh (百龄) của Hán quân Chính Hoàng kỳ[8].

Tuy nhiên, có một sự thật là vì sao từ 「"Giác Thiền thị"」 mà Lương phi phải bị phiên thành Vệ thị, vẫn là nghi vấn. Có cách lý giải theo các lão sư chuyên nghiên cứu tên họ người Mãn cho rằng, người gia đình Mãn nào cũng thường có họ theo kiểu Hán (thường liên quan về nghĩa) để gọi cho thuận tiện, nhất là khi vào cung viết Sách văn. Do đó rất có thể họ 「"Vệ thị"」 của Lương phi chỉ là cách gọi Hán hóa mà thôi. Trường hợp này có thể kể đến Đích Phúc tấn Thạch thị của Phế Thái tử Dận Nhưng, dòng họ của bà vốn là "Qua Nhĩ Giai thị", khi gia tộc được phân vào Hán Quân Bát kỳ nên đổi theo họ Hán. Cái gọi "Qua Nhĩ Giai" có nghĩa là bức tường, liên hệ với "Thạch" nên có họ như vậy.